Cá chép Nhật (còn gọi là cá Koi) đang rất được thị trường ưa chuộng, có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Thậm chí có những con cá lớn, màu sắc đẹp, giá có thể lên tới 200 triệu đồng.
Hiện nay, có rất nhiều chủng loại cá cảnh được nuôi phổ biến ở nước ta và một trong những loài cá cảnh có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, có nhiều tiềm năng xuất khẩu, phù hợp cho nông nghiệp đô thị là cá chép Nhật (cá koi)
Là loài cá được xem là biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý nên cá chép Nhật rất nổi tiếng và được giới chơi cá cảnh khắp thế giới ưa thích. Giá của mỗi chú cá koi loại nhỏ đủ tiêu chuẩn dao động từ 6-10 triệu đồng, những con cá lớn hơn có thể lên tới hàng trăm triệu.
Cách đây không lâu, một chú cá koi có chiều dài thân gần 1m với vảy ánh kim đồng đỏ được rao bán tại thị trường Việt Nam với giá lên tới 200 triệu đồng. Con cá đã 5 tuổi, được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và có thể sống thọ đến 60-80 năm. Cá thuộc giống Ginrin Red Chagoi, giống quý và đắt tiền nhất, được xem là vua của các loài cá koi.
Chú cá koi quý hiếm giống Ginrin Red Chagoi – được xem là vua của các loài cá, có giá bán lên tới 200 triệu đồng.
Ngoài con cá có mức giá “khủng” này, nhiều người cũng có thể mua được giống quốc ngư quý hiếm này với mức giá từ 50-150 triệu đồng/con. Loài Tancho có thân ngắn hơn, kích thước từ 50-80 cm, vây hình quốc kỳ Nhật có giá trên dưới 150 triệu đồng/con.
Đại diện của một công ty chuyên phân phối cá koi Nhật Bản vào Việt Nam cho biết, cá chép cảnh hiện có 20 loài. Giá của mỗi con cá phụ thuộc vào chiều dài thân và màu sắc vẩy, cá càng có thân dài, vảy màu sắc nét càng được bán với giá cao.
Một chú cá Koi dòng Sanke chiều dài thân hơn 1m được một doanh nghiệp ở TP.HCM nhập về từ Nhật Bản, có giá bán lên tới hàng trăm triệu đồng.
Đây là loài cá ăn tạp rất đa dạng về màu sắc, phối hợp từ các màu cơ bản như trắng, đỏ, đen, vàng, cam, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam và tương đối dễ nuôi, thích hợp ở vùng nước ngọt hoặc môi trường nước có độ mặn đến 6‰, hàm lượng oxy trong ao nuôi tối thiểu 2,5 mg/l, độ pH từ 6 – 9 (dao động không quá 0,5 trong ngày), nhiệt độ nước 20 oC – 27oC, độ trong 30cm – 50cm, mực nước 1,2m – 1,5m.
Đặc biệt, loài cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ nuôi sống cao và hầu hết người nuôi và kinh doanh cá chép Nhật đều sống được với nghề.
Trong số đó, phải kể đến mô hình trình diễn khuyến nông của hộ Trần Văn Vinh ở ấp 1, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Với quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình, anh đã mạnh dạn bố trí diện tích ao thả nuôi 120.000 con cá giống trên 2.000m², với tỷ lệ nuôi sống đạt 80%, cỡ cá thu hoạch 60g/con, giá bán 5.000 đồng/con; mỗi năm sau khi trừ chi phí (cá giống, thức ăn, công lao động,…), lợi nhuận thu được khoảng 250 triệu đồng.
Theo anh Vinh, thị trường xuất khẩu cá cảnh đang khởi sắc, đối tượng xuất khẩu là các loài cá có giá trị cao như cá chép Nhật. Hiệu quả nghề nuôi cá chép Nhật mang lại rất khả quan. Tuy nhiên, để phát huy tốt nhất hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập ổn định, người nuôi cần chú ý đến chất lượng nguồn nước, vì đây là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình.
Ngoài hiệu quả kinh tế, nuôi cá chép Nhật thương phẩm còn giúp tạo được công ăn việc làm cho những lao động nông nghiệp trực tiếp và gián tiếp, giảm tình trạng bỏ ruộng hoang, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.